Theo kết quả nghiên cứu mới nhất do Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) công bố vào tháng 12 vừa qua, cá trắm đen, loài cá có nguồn gốc từ Đông Á, hiện đã xâm chiếm thành công sông Mississippi - con sông dài nhất khu vực Bắc Mỹ và gây hại tới động vật bản địa.
Đây là một phát hiện rất có ý nghĩa bởi nó đánh dấu lần đầu tiên một quần thể cá trắm đen được thiết lập, sinh sản tự nhiên và sống tới thời điểm trưởng thành. Patrick Kroboth, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu cá ở USGS, đã cung cấp những bằng chứng thuyết phục cho thấy loài cá này có thể tự sinh tồn.
Một cá thể cá trắm đen bị bắt ở sông Mississippi (Ảnh: News).
Được biết, cá trắm đen vốn là động vật bản xứ trên các sông ngòi ở khắp Trung Quốc và Việt Nam. Lần đầu tiên chúng được du nhập tới Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ trước cùng cá trắm cỏ theo đường nhập khẩu.
Những thập kỷ tiếp theo, chúng tiếp tục tới Mỹ như một biện pháp kiểm soát sinh học nhằm ngăn chặn sự lây lan của loài giòi vàng sống trong những ao nuôi thủy sản. Dần dần theo thời gian, có thể do lũ lụt, cá trắm đen đã tràn ra sông, lan rộng khắp lưu vực sông Mississippi.
Ở thời điểm hiện tại, sinh vật này được đánh giá có tác động tiêu cực tới những động vật hoang dã bản địa khác ở Mississippi. Sự xâm chiếm của cá trắm đen khiến các loài trai, ốc bản địa đang bị đe dọa, trong đó có những loài trai đang được bảo vệ.
Tác động việc săn mồi của chúng càng trở nên tồi tệ hơn do kích thước cá trắm đen lớn dần. Các chuyên gia phát hiện thấy những cá thể trưởng thành có thể dài hơn 1,5m, tức là chúng cần ăn nhiều hơn.
Chúng sinh sôi quá nhanh, xâm chiếm con sông dài nhất Bắc Mỹ (Ảnh: News).
Kể từ năm 2007, việc nhập khẩu cá trắm đen vào Mỹ đã bị cấm. Khi đó, chúng nằm trong danh sách "những loài xâm hại", bên cạnh trăn Miến Điện, cóc mía, sóc xám. Chúng đe dọa trực tiếp động vật bản địa, cạnh tranh tài nguyên với những loài khác.
Việc số lượng cá trắm đen tăng chóng mặt ở sông Mississippi khiến người dân tìm cách loại bỏ chúng càng khó khăn hơn. "Môi trường sống ở sông Mississippi cho thấy đây là điều kiện thích hợp cho toàn bộ vòng đời của loài cá này", nhà sinh vật học Patrick Kroboth nói.
Hiện giới chức địa phương đã thử nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng cá trên sông Mississippi, nhưng đến nay các biện pháp cơ học đều không thành công. Nếu dùng biện pháp hóa học như phun thuốc trừ sâu để diệt cá cũng sẽ khiến loài cá bản địa bị đe dọa.