Triệu chứng sớm của 1 số bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư: Có dấu hiệu nào cũng cần khám

16/04/2022 09:45
Thay đổi giọng nói không chỉ là dấu hiệu của bệnh hô hấp mà còn là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm hơn thế như ung thư, Parkinson, tổn thương dây thần kinh thanh quản,...

 

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thay đổi trong giọng nói có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau chứ không chỉ riêng bệnh về đường hô hấp.

Thông thường, khi giọng nói của bạn hơi khàn, bạn có thể nghĩ rằng mình đang mắc một căn bệnh viêm đường hô hấp trên nào đó, như cảm lạnh hoặc viêm họng thông thường. Lúc ấy, bạn tin rằng giọng nói của mình sẽ trở lại bình thường sau một vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp khàn giọng, giọng run hoặc yếu có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Milan Amin, giám đốc Trung tâm Giọng nói, Đại học New York (Mỹ) cho biết : "Các trường hợp khàn giọng, giọng run hoặc đi kèm khó thở kéo dài có thể là những triệu chứng sớm của một số căn bệnh nguy hiểm dưới đây".

1. Bệnh tự miễn: Khàn giọng

Triệu chứng sớm của 1 số bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư: Có dấu hiệu nào cũng cần khám

Khàn giọng có thể là dấu hiệu của các bệnh tự miễn. Ảnh minh hoạ.

Bệnh tự miễn là những bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công lại cơ thể và gây ra viêm. Viêm dây thanh quản có thể gây ra khàn tiếng. Khô họng cũng là biểu hiện của hội chứng Sjogren, một tình trạng hệ miễn dịch làm tổn thương tuyến lệ, tuyến nước bọt, gây khô miệng và khô cổ họng.

Một số bệnh tự miễn khác cũng có liên quan tới khàn giọng bao gồm viêm đa cơ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì và lupus.

2. Tổn thương dây thần kinh: Giọng yếu kèm khó thở

Tổn thương các dây thần kinh điều khiển dây thanh quản có thể khiến giọng nói yếu, kèm theo khó thở. Các can thiệp tại những vùng lân cận dây thanh quản như phẫu thuật tuyến giáp, cột sống hoặc tim có thể vô tình làm tổn thương các dây thần kinh này.

3. Nhiễm virus: Giọng yếu, khàn 

Các loại virus, vi khuẩn, nấm đều có thể gây tổn thương dây thanh quản và gây ra khàn giọng. Tình trạng này bình thường sẽ tự thuyên giảm trong vài ngày. Tuy nhiên, nhiễm virus thể nặng có thể phá huỷ dây thần kinh thanh quản. 

Do đó, nếu bạn vẫn bị khàn giọng, giọng nói yếu sau khi đã khỏi nhiễm trùng 3 tuần, bạn nên tới các cơ sở y tế để thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân.

Triệu chứng sớm của 1 số bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư: Có dấu hiệu nào cũng cần khám

Nhiễm virus thể nặng có thể tổn thương dây thanh quản. Ảnh minh hoạ.

4. 1 số bệnh ung thư: Thay đổi giọng nói, giọng yếu

Thay đổi giọng nói đôi khi có thể là dấu hiệu sớm của ung thư thanh quản. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao nhất. Uống quá nhiều rượu cũng có thể dẫn tới căn bệnh này.

Ung thư thanh quản có các triệu chứng bao gồm thay đổi trong giọng nói, đau tai, đau họng, cảm giác như có u/cục trong họng, khó thở hoặc khó nuốt, nổi u/cục ở cổ.

Các bệnh ung thư phổi hoặc tuyến giáp cũng có thể gây ảnh hưởng tới dây thần kinh thanh quản, làm suy yếu giọng nói.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng kể trên, đặc biệt nếu bạn có thói quen hút thuốc, hãy tới gặp các bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể.

5. Bệnh Parkinson: Giọng nói nhỏ, vỡ hoặc run

Những người bị bệnh Parkinson thường thấy giọng mình nhỏ hơn. Một số người khác có giọng bị vỡ hoặc khàn, run.

Quỹ Parkinson Quốc gia (Mỹ) đã đưa ra một số gợi ý sau đây để khắc phục các triệu chứng về giọng nói ở bệnh nhân Parkinson:

- Nói những câu ngắn.

- Cố gắng nói to hơn mức độ bạn đang cảm nhận một chút.

- Có thể nhờ bác sĩ chuyên điều trị ngôn ngữ tư vấn, điều trị nếu cần.

Cách bảo vệ giọng nói

Triệu chứng sớm của 1 số bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư: Có dấu hiệu nào cũng cần khám

Uống đủ nước để bảo vệ giọng nói. Ảnh: Thinkstock.

Viện Tai Mũi Họng – Phẫu thuật đầu cổ (Mỹ) đã gợi ý một số cách để bảo vệ giọng nói như sau:

- Uống đủ nước.

- Hạn chế rượu bia và caffeine.

- Giữ ấm vùng cổ, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh.

- Tránh các thuốc làm khô cổ họng, ví dụ như một số loại thuốc điều trị cảm lạnh và dị ứng.

- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.

- Hạn chế đồ ăn cay.

- Không sử dụng nước súc miệng có chứa cồn hoặc các thành phần kích ứng cổ họng.

- Tập hít thở sâu thường xuyên cũng rất tốt cho vùng cổ họng.

- Không nghe điện thoại bằng cách kẹp điện thoại ở giữa vai và cổ quá lâu để tránh làm căng cơ vùng cổ, có thể gây tổn thương vùng thanh quản.

- Hạn chế nói quá to.

 

Theo xahoi.com.vn

Triệu chứng sớm của 1 số bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư: Có dấu hiệu nào cũng cần khám - Sức Khỏe