Oai hùng chiến thắng Xương Giang

26/03/2023 09:46
Bắc Giang là một miền đất cổ, có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, là nơi có nhiều địa danh gắn với những chiến công vang dội chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Một trong những địa danh quan trọng là Chi Lăng - Xương Giang. Cách đây 596 năm (năm 1427), nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến của quân và dân Đại Việt.

 

Oai hùng chiến thắng Xương Giang

Các đoàn rước tại Lễ hội. (ảnh: Mỹ Dung)Đỉnh cao nghệ thuật quân sự

Chiến thắng Xương Giang là đỉnh cao nghệ thuật quân sự “Lấy ít thắng nhiều, lấy yếu đánh mạnh” và có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo, đã chấm dứt 20 năm thống trị, đô hộ bạo tàn của triều đình nhà Minh. Đây là một trong những trang sử chống ngoại xâm bất diệt của dân tộc ta, được ghi bằng chữ vàng chói lọi, được ví ngang tầm với chiến thắng Bạch Đằng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…

Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết: “Xương Giang, Bình Than máu tươi tràn lan đỏ nước”. Trong bài “Xương Giang phú”, Lý Tử Tấn đã tôn vinh thành Xương Giang: “Nơi đây vũ công lừng lẫy/Giúp nên đất nước bình yên/Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có/Mở thái bình cho đất Việt khắp miền/Ấy Xương Giang một sông hình đẹp/Mà dấu thơm muôn thuở còn truyền…”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi danh một ngôi thành cổ với những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo đánh quân xâm lược phương Bắc, đó là thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang). Đây là thành trì có vị trí chiến lược quan trọng, cách sông Thương 3km, nơi án ngữ toàn vùng Đông Bắc đất nước và che chở thành Đông Quan (Hà Nội) trong thời kỳ nước ta bị nhà Minh đô hộ vào thế kỷ thứ 15.

Thành Xương Giang do quân xâm lược nhà Minh xây năm 1420. Toàn bộ khu vực này rộng 26ha, chiều cao thành từ 4 - 5 mét, với các cửa Bắc, Nam, Đông, Tây, chân thành xây bằng đá hộc, gạch vồ, tường thành đắp đất dày, bề mặt thành rộng 6-7 mét. Lịch sử ghi lại, đây là nơi diễn ra trận công thành oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện binh oanh liệt ngày 3/11/1427, đập tan hơn 7 vạn viện binh của quân Minh.

Ngược dòng lịch sử, từ cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành vây hãm thành Xương Giang, tướng Trần Nguyên Hãn được bổ sung để chỉ huy các đợt công thành, ông đã cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành, rồi tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của số quân đã lọt được vào nội thành giặc.

Đến ngày 28/9/1427, sau hơn 9 tháng vây hãm, thành Xương Giang bị hạ trước khi viện binh của giặc Minh kéo vào nước ta 10 ngày. Từ Đông Quan, tướng giặc là Hoàng Phúc và Thôi Tụ đã vội vàng thu thập quân lương tiến về Xương Giang trong khi chưa biết thành đã bị hạ. Giữa cánh đồng Xương Giang, giặc Minh bị bao vây chặt bốn bề buộc chúng tiến thoái lưỡng nan. Ngày 3/11, quân Lam Sơn tổ chức đợt tổng tấn công.

Sau một ngày chiến đấu, nghĩa quân đã giành được thắng lợi giòn giã: Bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của họ. Kết quả này là một trong những nhân tố quan trọng khiến Vương Thông ở thành Đông Quan phải chấp nhận nghị hòa và không xin phép triều đình Minh đã tự ý rút quân về nước.

Ngày 22/11 năm Đinh Mùi (1427), Vua Lê Lợi cùng Tổng binh Vương Thông mở hội thề ở thành Đông Đô. Ngày 22 tháng 12, quân Minh rút quân về nước. Vua cấp cho 500 chiếc thuyền, hai vạn ngựa và lương thảo cùng thổ hải sản nước Đại Việt để biểu thị mong muốn hòa bình và tình hữu hảo.

Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Xương Giang nay thuộc phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Với giá trị, ý nghĩa to lớn về lịch sử, ngày 22/01/2009, di tích “Địa điểm Chiến thắng Xương Giang” tại thành Xương Giang được Bộ VH,TT&DL công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Sau khi được xếp hạng, địa điểm Chiến thắng Xương Giang được quan tâm đầu tư tôn tạo trong 5 năm (từ năm 2012 và hoàn thành năm 2017) trên diện tích 10ha, với tổng kinh phí đầu tư trên 230 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa).

Các hạng mục công trình tính từ ngoài vào trong theo trục dọc đăng đối với khuôn viên cây xanh gồm: Cổng tam quan; Nghi môn, Bình phong; Tả vu, Hữu vu; Lầu chuông, Lầu trống; Sân chính. Đền Xương Giang gồm: Tòa tiền tế, Tòa thiêu hương, Tòa chính cung. Bên trong Khu di tích Chiến thắng Xương Giang thờ Vua Lê Lợi và các hiền thần.

Du khách được thưởng thức làn điệu dân ca Quan họ tại địa điểm Chiến thắng Xương Giang. (ảnh: Thùy Dương)Tưng bừng lễ hội tưởng nhớ nghĩa quân Lam Sơn

Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hằng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6 và ngày mùng 7 tháng Giêng. Sáng ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường, xã giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, chỉnh tề từ các ngả đường tiến về trung tâm khai hội…

Đoàn làng Kế lên đường với xa kiệu, ngựa và đưa đội quân tượng trưng cho đức thánh Cao Sơn, Quý Minh tiến về lễ hội. Đoàn này lần lượt hội tụ đầy đủ các đội quân hành rước của làng Kế, làng Tiêu, làng Vĩnh hợp thành một đoàn diễu hành các phố phường.

Đoàn rước của làng Thành và làng Vẽ đưa đồ rước của đức thánh Cao Sơn - Quý Minh đến tham dự. Hai làng này vốn là hai lằng nằm kề bên phía cửu Bắc của hành Xương Giang. Trong cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Minh năm xưa, họ đã dựng thành bằng cót làm cho quân địch khiếp sợ bạt vía tưởng quân ta có Thần giúp đỡ nên chỉ trong một đêm đã dựng xong thành.

Đoàn rước của thôn Hòa Yên rầm rộ kéo nhau đi như tinh thần dũng mãnh của tướng quân nhà Lý Lều Văn Minh đánh tan quân giặc Chiêm. Họ mang đến hội một niềm kiêu hãnh bởi những người cha người anh xưa đã có mặt trong cuộc kháng chiến chống lại quân Minh.

Đoàn rước xã Đa Mai của phường Mĩ Độ bắt đầu đi từ bờ nam sông Thương qua cầu Bắc Giang, sau đó men theo quốc lộ 1A tiến thẳng vào khu khai hội. Làng Đa Mai thờ hai vị công chúa nhà Trần đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ XIII ngay tại khúc sông này, chính vì vậy dân làng không rước kiệu mà rước bằng thuyền với anh linh của hai công chúa này. Họ còn có một đội kỳ lân, sư tử do các bà đồng biểu diễn rất hăng say và đẹp mắt. Người Mĩ Độ thì rước tượng của đức thành hoàng với long đỉnh, hương án, bát bửu… oai phong.

Lễ dâng hương được tổ chức ở trung tâm của lễ khai hội, diễn ra rất long trọng. Ở đây, các lễ chào cờ hay đọc diễn văn, đọc "Đại cáo bình ngô" và lễ múa ra quân đều được tiến hành. Giữa các lễ này có nhạc hiệu làm nền vang để nối nhau, lên trầm hùng và thúc giục lòng người.

Sau lễ tế, rước kiệu Thánh, dâng hương là phần thỉnh chiêng, thỉnh trống khai hội và màn trống hội tưng bừng. Đặc biệt là chương trình nghệ thuật sử thi tái hiện Chiến thắng Xương Giang với chủ đề “Hào khí Xương Giang - Muôn thuở lưu truyền” gồm 4 phần: Xương Giang - Mảnh đất linh thiêng; Vùng lên; Phá thành; Ca khúc khải hoàn.

Tại đây, người dân và du khách được tham gia Lễ hội với phần trình diễn di sản văn hóa phi vật thể như hát chèo, ca trù, quan họ, trình diễn thư pháp, xem phim hoạt hình và trưng bày ảnh ký ức và di vật khảo cổ về lịch sử Chiến thắng Xương Giang, sinh vật cảnh; tham gia không gian văn hóa chợ quê và liên hoan hương sắc ẩm thực thành phố, các trò chơi dân gian: Chọi chim, đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt...

Hằng năm, nhiều hoạt động giáo dục, văn hóa nghệ thuật, lễ báo công, tuyên dương ý nghĩa được tổ chức tại đây như hoạt động “Em yêu lịch sử” và nhiều chương trình ngoại khóa, hành trình về nguồn do các nhà trường trên địa bàn tỉnh tổ chức. Khu di tích Chiến thắng Xương Giang ngày càng thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan.

Sắp tới, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với SGO Travel sẽ hình thành tour đêm tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang. Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT SGO Travel, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam cho hay, SGO Travel mong muốn sẽ cùng Bắc Giang nói chung, Khu di tích Chiến thắng Xương Giang nói riêng phát triển du lịch bền vững, biến nơi đây thành điểm đến văn hóa - lịch sử - tâm linh hấp dẫn đầy ý nghĩa.

Gần 600 năm đã đi qua, nhưng Chiến thắng Xương Giang vẫn luôn còn đó, là niềm tự hào của người dân Bắc Giang. Thành Xương Giang đã trở thành một điểm đến tâm linh, một địa điểm lịch sử oai hùng. Nơi đây còn là lời nhắc nhở thế hệ đời sau về công ơn các anh hùng và lòng yêu nước, xây dựng Tổ quốc vững mạnh hơn. Đồng thời nhắc nhở con cháu đời sau khắc ghi công ơn Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi cùng các bậc hiền tài, nghĩa sĩ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ giang sơn, đất nước.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng “Địa điểm Chiến thắng Xương Giang” là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Năm 2020, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định công nhận “Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là điểm du lịch”.

Theo Nguồn baomoi.com

Oai hùng chiến thắng Xương Giang - Xã Hội