Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Đỗ Tâm
Ba khoản thu sắp cán đích
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng của năm 2022 đạt gần 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó thu từ dầu thô có mức tăng trưởng tốt, đạt 43.000 tỷ đồng, bằng 152,5% dự toán, tăng 91,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng rất tích cực. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt gần 179,8 nghìn tỷ đồng, bằng 90,3% dự toán, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, thu nội địa - luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước - cũng đạt kết quả khá. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, lũy kế 7 tháng của năm 2022, tổng thu do ngành thuế quản lý đạt 911.030 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng số thu nội địa đạt 868.008 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Lĩnh vực đóng góp lớn trong tăng trưởng thu nội địa là từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí. Tổng thu từ bốn ngành này trong 7 tháng qua tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2021, tổng thu từ nhóm này đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 14% tổng thu thuế, phí nội địa.
Tuy nhiên, theo ông Cao Anh Tuấn, mức thu đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí chưa bền vững. Điều đó được thể hiện, trong quý I-2022 thu đạt khoảng 48.300 tỷ đồng, tăng 18,1% cùng kỳ năm trước, nhưng thu trong quý II-2022 sụt giảm rõ rệt, tổng thu đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, bằng 82,8% so với quý I-2022.
Đáng chú ý, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, 7 tháng của năm 2022, khoản thuế thu nhập cá nhân đã đạt khoảng 106.386 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Số thu này đóng góp khoảng 12% vào khoản thu nội địa. Thông thường, thu nhập từ làm công ăn lương chiếm tỷ trọng chính trong nguồn thu này, bên cạnh thu từ cá nhân kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra, hai khoản thu nội địa khác cũng sắp cán đích cả năm là thu về nhà, đất (đạt 95,1% dự toán) và thu cấp quyền khai thác khoáng sản (93,4%).
Hầu hết khoản thu nội địa khác đều bảo đảm tiến độ thu (trên 58% kế hoạch năm). Trong đó, thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh) đóng góp lớn nhất trong tổng thu nội địa (chiếm 49,6%), ước 7 tháng của năm 2022 đạt 70% dự toán, tăng 8% so cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp hồi phục tương đối tốt
Có ý kiến cho rằng, khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân sắp cán đích có thể một phần bởi sự thận trọng khi xây dựng kế hoạch thu. Song, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, có thể ở một số ngành, doanh nghiệp tăng lương nhằm giữ chân người lao động đã giúp thu nhập của người lao động tăng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã siết quản lý thuế trong chuyển nhượng bất động sản.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đầu tư sản xuất, kinh doanh và lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động rất lớn. Số thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 7 tháng qua cho thấy, doanh nghiệp hồi phục tương đối tốt. Dự báo, đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp có thể phục hồi sức sản xuất gần như thời điểm năm 2019. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa quan điểm, kết quả thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài việc cho thấy doanh nghiệp hồi phục còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn dự báo, công tác thu trong những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và chứng khoán. Để hoàn thành nhiệm vụ, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tiếp tục rà soát thủ tục hành chính thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh... Còn Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ tập trung quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế; đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 7-2022 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự báo doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, từ đó tác động tới nguồn thu ngân sách. Vì vậy, ngành Tài chính phải phấn đấu rất cao để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường chống thất thu ở các lĩnh vực, tăng thu từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng...