Trước tình trạng vi phạm xảy ra tại hàng loạt các trung tâm đăng kiểm trên phạm vi cả nước, qua công tác nắm tình hình, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hải Dương đã khẩn trương vào cuộc, điều tra làm rõ sai phạm tại một số trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh.
Ngày 9/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp để phục vụ công tác điều tra vụ án "Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D, địa chỉ tại xã Liên Hồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm nghe Cơ quan Công an tống đạt quyết định khám xét khẩn cấp. (Ảnh: Vũ Oanh).
Qua quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương phát hiện một số cá nhân làm việc tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D đã có hành vi nhận hối lộ để cấp phép hoán cải xe cơ giới không đúng quy định cho nhiều phương tiện trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 34-05D. (Ảnh: Vũ Oanh).
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đang tập trung điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can về các tội danh "Môi giới hối lộ"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"; "Giả mạo trong công tác"; "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật".
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (ngày 10/2), số trung tâm bị khám xét, số bị can bị khởi tố đã tăng nhiều so với con số được Trung tướng Tô Ân Xô công bố tại cuộc họp báo nói trên.
Bộ Công an nhận định, đây là một vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến Giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
"Qua điều tra cho thấy, một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp các mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh, đèn..." - Người phát ngôn của Bộ Công an nhấn mạnh.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, có dư luận cho rằng, việc cơ quan Công an tiến hành khám xét một số trung tâm đăng kiểm là ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, thực tế từ khi điều tra vụ án đến nay, cơ quan Công an không ra một quyết định hay văn bản tố tụng nào về việc dừng, tạm dừng, đình chỉ hoạt động đối với các trung tâm đăng kiểm...; chỉ thu giữ các tài liệu, vật chứng liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội.
Khi cơ quan công an tiến hành các cuộc khám xét, đã có những cá nhân dự kiến thông báo để các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc ngừng hoạt động để dùng dư luận xã hội, tạo áp lực đối với cơ quan Công an. Bộ Công an đã cảnh báo đến những cá nhân này và thủ đoạn này không thực hiện được.
"Qua vụ việc trên, Bộ Công an đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng thực hiện một loạt nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Được biết, hiện Bộ Giao thông vận tải hiện cũng đang dùng "kháng sinh liều cao" để điều trị "căn bệnh" này. Đề nghị các nhà báo và nhân dân ủng hộ, phối hợp trong điều tra, xử lý các vi phạm để làm trong sạch hoạt động này" - Người phát ngôn Bộ Công an nêu rõ.