Lịch sử cải lương 100 năm qua ghi dấu nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn, tài danh, nhưng chỉ có hai nữ nghệ sĩ được các thế hệ trong nghề gọi là "Tổ nghề sống" (tức là từ khi còn sống đã được phong Tổ nghề). Đó là NSND Phùng Há và NSND Bảy Nam.
Cả hai nữ nghệ sĩ này đều tài đức vẹn toàn, có nhiều đóng góp lớn mang tính tiên phong, tiền đề cho sân khấu cải lương và được mọi thế hệ nghệ sĩ cũng như khán giả kính trọng.
NSND Phùng Há và NSND Bảy NamNSND Phùng Há – người thầy của những huyền thoại, thọ 99 tuổi
NSND Phùng Há tên thật Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại Mỹ Tho, là con thứ 6 trong một gia đình nghèo, đông anh em. Tuy không được đào tạo nhưng Phùng Há từ nhỏ đã bộc lộ đam mê và năng khiếu ca hát, diễn xuất.
Năm Phùng Há 9 tuổi thì cha bà qua đời. Vì hoàn cảnh khó khăn, Phùng Há phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. 13 tuổi, bà đi làm công trong một lò gạch.
Dù công việc vất vả nhưng giọng ca thiên phú của bà khi ấy đã lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban cũ và được ông chú ý.
Năm 1924, ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát Tái Đồng Ban và mời bà tham gia với vai trò đào chính để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Ông cũng là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh.
Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phùng Há là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề Quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượng; Tội của ai của soạn giả Tư Chơi. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và được công chúng mến mộ.
Năm 1926, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa.
Một thời gian sau, dưới sự giúp đỡ của Lê Công Phước, Phùng Há đã lập được gánh hát riêng, làm bầu gánh khi mới 18 tuổi.
Gánh hát của bà quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne,... Tất cả họ đều là những nghệ sĩ gạo cội đặt viên gạch đầu tiên gây dựng cải lương. Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở miền Nam, đi lưu diễn khắp nơi, tạo tiền đề giúp cải lương phát triển rực rỡ.
NSND Phùng Há
Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó, dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia,... đều có gánh hát tới. Khán giả khắp nơi được tiếp xúc với cải lương và đam mê loại hình nghệ thuật này. Tại Sài Gòn, cứ đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ (gánh hát của Phùng Há) đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai.
Như vậy, có thể thấy, NSND Phùng Há là người có đóng góp to lớn với nghệ thuật cải lương.
Sau này, vì nhiều biến cố nên Phùng Há không còn làm bầu gánh nữa, nhưng vẫn dành trọn tâm huyết của mình với nghệ thuật cải lương, thông qua việc đạo diễn, dàn dựng và đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận.
Trong thời kỳ cải lương hưng thịnh, NSND Phùng Há đứng ra làm đạo diễn, cố vấn tại các đoàn cải lương hàng đầu, giúp dựng nhiều vở diễn kinh điển, mang tính chuẩn mực cho thế hệ sau này. Kiến thức của bà về cải lương vô cùng rộng lớn, từ cải lương lịch sử tới cải lương xã hội, thế sự, với cả ngàn tuồng tích cũng như các kỹ thuật ca hát.
Không chỉ thành công diễn xuất, NSND Phùng Há còn là người thầy tài giỏi, có đạo đức chuẩn mực, đào tạo ra vô số thế hệ nghệ sĩ tài danh như nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Diệu Hiền…
Những bài học về nghề nghiệp, đạo đức của NSND Phùng Há mãi được các học trò ghi nhớ. NSƯT Diệu Hiền không thể nào quên lần bị thầy mình bắt tập đi tập lại duy nhất cảnh ngắt bông hoa sao cho đúng điệu. Bà kể về một nét ảnh hưởng của NSND Phùng Há:
"Ngày xưa, nghệ sĩ cải lương có tật là hễ lên sân khấu lại vớ bộ đồ xấu nhất, cũ nhất để mặc, không dám mặc đồ đẹp vì sợ bị son phấn, lớp hóa trang rớt xuống, làm dơ bộ đồ.
Má bảy Phùng Há thấy thế không chấp nhận. Má bảo, đã là nghệ sĩ lên sân khấu thì phải chỉn chu, ăn mặc đẹp nhất có thể, phải giữ hình tượng trong mắt khán giả, đừng để khán giả thất vọng khi nhìn thấy mình.
Từ lời dạy đó của má bảy, thế hệ nghệ sĩ trẻ chúng tôi ngày đó mới chịu khó đầu tư may nhiều đồ diễn mới, đẹp. Từ đó, tạo thành thói quen cho các nghệ sĩ cải lương".
NSƯT Kim Tử Long cũng không thể quên lời dạy của NSND Phùng Há khi bi giao vai hề chứ không phải kép chính: "Con cứ hát đi. Trong một vở cải lương không có vai chính hay vai phụ, chỉ có vai ấn tượng để khán giả nhớ đến. Vai diễn có ấn tượng được hay không phụ thuộc vào người nghệ sĩ". Và vai hề đó lại là vai diễn thành công đầu tiên của Kim Tử Long.
Ngay từ lúc NSND Phùng Há còn sống, NSND Bạch Tuyết đã nói: "Má ơi, má hiển thánh giữa đời này rồi. Tụi con không biết phải làm sao để học theo được má. Đến cái bước chân của má con cũng muốn học".
NSND Bảy Nam – người xây dựng sân khấu kịch nói Nam bộ, thọ 91 tuổi
NSND Bảy Nam tên thật Lê Thị Nam, sinh năm 1913 tại Mỹ Tho, Tiền Giang, trong gia đình có gen nghệ thuật, chín người con thì đến bảy người trở thành nghệ sĩ sân khấu. Nhờ đó, từ nhỏ Bảy Nam đã bộc lộ rõ năng khiếu cũng như đam mê với ca hát, diễn xuất.
Từ năm 14 tuổi, NSND Bảy Nam đã đi hát và là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương khi 19 tuổi lập nên gánh hát Nam Hưng. Gánh hát của bà đem các tuồng tích dưng thành vở diễn đi lưu diễn khắp nơi, tạo tiền đề cho cải lương phát triển rực rỡ trong thưở đầu tiên.
Khác với NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam không chỉ hoạt động ở cải lương mà còn góp công lớn xây dựng sân khấu kịch nói miền Nam từ giai đoạn đầu tiên. Bà là nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với vô số kịch bản: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung...
Tài năng của NSND Bảy Nam được giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét: "Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quí hiếm ấy".
NSND Bảy Nam
NSND Bảy Nam là người thầy đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh nhưng thành công nhất chính là con gái bà – NSND Kim Cương. Hai mẹ con đã song hành cùng nhau gây dựng sân khấu kịch nói từ những viên gạch đầu tiên. Trong đó, vở kịch kinh điển Lá sầu riêng đã lấy đi nước mắt của bao thế hệ khán giả.
Một trong những bài học lớn mà NSND Kim Cương học được từ mẹ mình là niềm đam mê nghề bất tận. Bà luôn đúng giờ, đi tỉnh thì phải đến sớm hơn mọi người. Những điều đó dần ăn sâu trong máu thịt của NSND Kim Cương. Bà nhắn nhủ người trẻ đây là nghề của tập thể, phải biết tôn trọng mọi người.
Đến tận bây giờ, NSND Kim Cương vẫn nhớ như in lời dạy của mẹ, rằng sân khấu không phải là một nghề mà là đạo, dạy cho con người sống tốt đẹp hơn. Người nghệ sĩ phải có sự hy sinh để làm cho nghề tốt đẹp, đừng làm ô uế nghề mà mình đang theo đuổi, đang nuôi sống mình, đừng làm xấu thế hệ trẻ.
Theo Tổ quốc